Đến năm 2030, Việt Nam sẽ vào top 10 quốc gia hàng đầu châu Á về công nghệ sinh học

Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về công nghệ sinh học (CNSH); đến năm 2045 trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Bộ Chính trị đánh giá CNSH nước ta thời gian qua có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ.

Cùng đó, một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nhấn mạnh quan điểm phát triển CNSH là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu tổng quát là tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.

Công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học

Bên cạnh đó là xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước. Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh CNSH. Xây dựng nền CNSH có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm CNSH nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP…

Đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, bên cạnh việc thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng CNSH trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH. Trong đó đặc biệt lưu ý đến chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao.

Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng CNSH; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm công nghệ sinh học.

“Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Nghị quyết 36 nêu và yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực CNSH, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học…

Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/

> Xem thêm:

Quy định về quản lý thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh

Tái đầu tư là gì? Bật mí 3 lĩnh vực tái đầu tư hiệu quả trong tương lai