Vì Sao Doanh Nghiệp Cần Đến Khai Vấn (2022)

Nhiều nhân sự cấp quản lý tham gia khai vấn để tìm hướng giải quyết cho những vấn đề trong điều hành, quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

LCV – một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai vấn tại Việt Nam từ năm 2015 cho biết số lượng doanh nghiệp tìm đến công cụ này ngày càng tăng. Trong thời gian hoạt động, LCV đã khai vấn cho hơn 1.000 khách hàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Khác với hình thức đào tạo là truyền đạt kiến thức, tư vấn là đưa công cụ, cố vấn là đưa lời khuyên, khai vấn được hiểu là việc chuyên gia chỉ đặt câu hỏi để khách hàng tự đưa ra câu trả lời và có giải pháp cho chính mình. Theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực, về khoa học não bộ, một người chưa quyết định được một vấn đề là vì họ có khúc mắc trong suy nghĩ, không phải vì không có cách.

Khi đặt câu hỏi, khách hàng được khơi thông nội tâm, thấy rõ điều phù hợp với mình, từ đó sẵn sàng ra quyết định. Khi chạm sâu tới nhận thức và nội tâm, quá trình khai vấn không dừng lại ở giải quyết vấn đề, mà có thể tạo ra thay đổi bền vững trong nhận thức và lối sống.

Một buổi đào tạo khai vấn doanh nghiệp. Ảnh: LCV
Một buổi đào tạo khai vấn doanh nghiệp. Ảnh: LCV

Ở Việt Nam trước đây, khai vấn chỉ dành cho lãnh đạo cấp cao trong các công ty đa quốc gia và các chuyên gia khai vấn đều là người nước ngoài. Từ 2015, khi LCV triển khai chương trình khai vấn thuần Việt được ICF chứng nhận, nhiều khách hàng cá nhân cũng tìm đến hình thức này.

Bà Đoàn Huỳnh Vân Anh – Chuyên gia khai vấn, đồng sáng lập LCV cho biết trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng phương pháp này cho lãnh đạo cấp trung và xem đây một trong những kỹ năng phải có của người quản lý. Những vấn đề thường được các doanh nghiệp quan tâm khi khai vấn là quản lý nhân viên hiệu quả, phát triển khả năng lãnh đạo, xây dựng đội ngũ kế thừa, thay đổi cơ cấu, hoạt động kinh doanh, có mong muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp…

Theo bà Vân Anh, quá trình này sẽ giúp người tham gia có không gian để lùi lại, tách mình và nhìn mọi thứ một cách rõ ràng. “Quá trình đặt câu hỏi sẽ kích thích tư duy sáng tạo, đặt cấp quản lý ở vị trí người có quyền kiểm soát, lựa chọn và tự định hướng cho tương lai, từ đó đưa ra các quyết định, lập kế hoạch, chấp nhận rủi ro và hành động phù hợp với mong muốn”, chuyên gia của LCV chia sẻ.

Lấy ví dụ về một quy trình khai vấn cụ thể, nhà đồng sáng lập LCV cho biết một trường hợp có thể tham gia từ ba tháng đến một năm, chia làm ba giai đoạn. Ở giai đoạn trước khi bắt đầu, những đơn vị cung cấp dịch vụ như LCV sẽ hỗ trợ doanh nghiệp làm các khảo sát về phản ánh thực tại, cách ứng xử đồng nghiệp – cấp trên – cấp dưới, xu hướng suy nghĩ – hành động nhân viên.

Chuyên gia Đoàn Huỳnh Vân Anh khai vấn cho khách hàng. Ảnh: LCV
Chuyên gia Đoàn Huỳnh Vân Anh khai vấn cho khách hàng. Ảnh: LCV

Khi bắt đầu, quá trình sẽ chia làm nhiều phiên. Ở mỗi phiên, chuyên gia sẽ cùng khách hàng xác định mong muốn, mục tiêu; đặt câu hỏi, khuyến khích tư duy sáng tạo để thông suốt và lựa chọn hướng đi phù hợp; ghi nhận, tạo môi trường an toàn để người tham gia chia sẻ. Theo bà Vân Anh, toàn bộ quá trình sẽ được bảo mật thông tin theo tiêu chuẩn ICF. Sau khi hoàn thành, hai bên có thể cùng nhìn lại về các mục tiêu, hiệu quả, tiếp nhận phản hồi, hỗ trợ, xây dựng các chương trình phù hợp dựa theo mong muốn từ doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý kiểm soát chất lượng của chuyên gia khai vấn. Những người hoạt động trong lĩnh vực này thường xem chứng chỉ, bằng cấp của Lên đoàn Khai vấn Quốc tế (ICF) là tiêu chuẩn.

ICF là tổ chức về khai vấn có mặt ở hơn 150 quốc gia và lãnh thổ, có những quy định rất chặt chẽ về đạo đức nghề, quy chuẩn chất lượng và bằng cấp cho cả cá nhân chuyên gia khai vấn lẫn các tổ chức đào tạo. Một chuyên gia khai vấn có chứng nhận ICF được cho là thể hiện sự nghiêm túc với nghề, đã trải qua quá trình đào tạo, thực hành đủ sâu đủ lâu (tùy mức độ bằng cấp: ACC – 100+ giờ, PCC – 500+ giờ, MCC – 2500+ giờ).

Tổ chức khai vấn IFC
Tổ chức IFC, Ảnh: Google Image

Hiện tại, số lượng chuyên gia lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ hơn 100. So với số lượng chuyên gia ICF chứng nhận trên thế giới (51,558 người – cập nhật tháng 9/2022) còn khiêm tốn. Đại diện LCV cho biết con số này cũng nói lên tiềm năng ngành ở Việt Nam rất lớn. “Thực tế cho thấy số lượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu khai vấn tăng đột biến trong hai năm qua, số lượng người học làm chuyên gia khai vấn cũng tăng đáng kể, mở ra rất nhiều tiềm năng cho ngành trong tương lai”, đồng sáng lập LCV nhận định.

Nguồn: https://vnexpress.net/

> Xem thêm:

Doanh Nghiệp Cần Đa Dạng Kênh Tiếp Cận Vốn

Doanh Nghiệp Việt Nam Tìm Lối Đi Trong Thách Thức Năm 2022