Nguồn nhân lực là lực lượng nòng cốt của mỗi tổ chức, đơn vị. Thế nhưng để nguồn lực phát huy hiệu quả nhất cần có những người quản trị. Vậy quản trị nhân sự là gì? Đội ngũ này có vai trò như thế nào với xã hội và doanh nghiệp. Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của CEOHUE để có câu trả lời cụ thể nhé.
Mục lục
I. Quản trị nhân sự là gì?
Quản trị Nhân sự hay là Quản trị Nhân lực hoặc Quản lý Nguồn nhân lực là công tác quản lý các lực lượng lao động của một tổ chức, công ty, xã hội, nguồn nhân lực. Chịu trách nhiệm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, và tưởng thưởng người lao động, đồng thời giám sát lãnh đạo và văn hóa của tổ chức, và bảo đảm phù hợp với luật lao động và việc làm.
Quản trị nhân sự cũng là một trong các chức năng cơ bản của ngành quản trị nhân sự. Con người là yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp, chính vì thế phải làm sao để chọn được những nhân viên có phẩm chất, năng lực phù hợp với các vị trí trong bộ máy tổ chức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi nhà quản trị nhân sự hiện đại.
Công tác quản trị nhân sự giúp tìm kiếm, phát triển và duy trì đội ngũ nhân viên và quản lý chất lượng – những người tham gia tích cực vào sự thành công của công ty. Các tổ chức trông mong vào các nhà chuyên môn về quản trị nhân sự giúp họ đạt được hiệu quả và năng suất cao hơn với một hạn chế về lực lượng lao động.
Một trong những yêu cầu chính của quản trị nhân sự là tìm ra đúng người, đúng số lượng và đúng thời điểm trên các điều kiện thỏa mãn cả doanh nghiệp và nhân viên mới. Khi lựa chọn được những người có kỹ năng thích hợp làm việc ở đúng vị trí thì cả nhân viên lẫn công ty đều có lợi.
Giới chuyên môn định nghĩa quản trị nhân sự gồm nhiều hoạt động và nhiệm vụ khác nhau nhằm mang đến giá trị tốt nhất cho mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Vậy quản trị nhân sự là làm gì? Dưới đây là nhiệm vụ của những người làm công tác quản trị nhân sự:
- Phân tích các công việc cụ thể
- Lên kế hoạch tuyển dụng nhân viên mới, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên cũ
- Đào tạo nhân sự và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nhờ việc kích thích vật chất, tinh thần với nhân viên
II. Tầm quan trọng của việc quản trị nhân sự?
Khi đã hiểu rõ quản trị nhân sự là gì bạn cũng cần biết được vai trò và tầm quan trọng của cách quản trị nhân sự trong mỗi doanh nghiệp:
Quản trị Nhân sự góp phần vào việc giải quyết các mặt kinh tế xã hội của vấn đề lao động. Đó là một vấn đề chung của xã hội, mọi hoạt động kinh tế nói chung đều đi đến một mục đích sớm hay muộn là làm sao cho người lao động hưởng thành quả do họ làm ra.
Quản trị Nhân sự gắn liền với mọi tổ chức, bất kỳ một cơ quan tổ chức nào cũng cần phải có bộ phận nhân sự. Quản trị nhân sự là một thành tố quan trọng của chức năng quản trị, nó có gốc rễ và các nhánh trải rộng khắp nơi trong mọi tổ chức.
Quản trị Nhân sự hiện diện ở khắp các phòng ban, bất cứ cấp quản trị nào cũng có nhân viên dưới quyền vì thế đều phải có quản trị nhân sự. Cung cách quản trị nhân sự tạo ra bầu không khí văn hoá cho một doanh nghiệp . Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nếu biết khai thác và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả chắc chắn có thể đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra. Bởi vậy tầm quan trọng của quản trị nhân sự với sự thành công của doanh nghiệp là hiển nhiên. Minh chứng rõ ràng nhất là nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao, thu nhập ổn định, hấp dẫn. Ngành quản trị nhân sự vì thế rất phổ biến ở nhiều trường đại học lớn cả ở trong và ngoài nước.
Quản trị nhân sự cũng là chìa khóa của lao động và nền kinh tế, xã hội. Các hoạt động từ kinh tế, xã hội, chính trị đều có một mục tiêu chung là giúp người lao động đạt được thành quả trong công việc nhờ vào kỹ năng và kiến thức của họ.
Các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành quản trị nhân sự trong tương lai cần học tập tại các trường đại học có chuyên ngành tương đương. Ngoài ra muốn trang bị cho mình thêm những kiến thức chuyên môn hay cách xử lý tình huống, triển khai công tác điều hành, xây dựng mối quan hệ, đào tạo nguồn nhân lực,… có thể tham gia các khóa học chuyên sâu. Những khóa học này cũng phù hợp với cả đội ngũ lãnh đạo, những người cần trang bị kỹ năng lãnh đạo, thu hút, sử dụng nhân tài.
Xem thêm: Marketing Là Gì? 8 Vai Trò Của Marketing Với Doanh Nghiệp
III. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản trị nhân sự
3.1 môi trường bên ngoài
- Kinh tế
Chu kỳ kinh tế và chu kỳ kinh doanh là nhân tố đầu tiên phải nói đến khi nó liên quan rất lớn đến công tác quản trị nhân lực. Tình hình kinh tế đất nước thay đổi cũng bắt buộc các doanh nghiệp phải có nhiều sự điều chỉnh trong kế hoạch, chiến lược hoạt động của mình dẫn đến sự thay đổi lớn đối với chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Xu hướng toàn cầu hoá kinh tế trên thế giới đã tạo ra những cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến nhằm vươn ra thị trường rộng lớn, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức mới trước áp lực cạnh tranh từ nước ngoài mà các doanh nghiệp sẽ khó lòng vượt qua nếu không có sự chuẩn bị trước.
- Dân số/ lực lượng lao động
Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm 52% lực lượng lao động xã hội và đang hoạt động rộng rãi ở hầu hết các ngành kinh tế. Lực lượng lao động nữ đi làm đông lên cũng ảnh hưởng đến xí nghiệp, xét trên phương diện thai sản và chăm sóc con cái.
- Luật pháp – chính trị
Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác quản trị nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp từ yếu tố pháp luật và chính trị. Hệ thống luật pháp buộc các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến quyền lợi của nhân viên và môi trường sinh thái.
Ở Việt Nam, Luật lao động được ban hành nhằm quản lý, chi phối mối quan hệ lao động trong tất cả các doanh nghiệp nhà nước và các hình thức sở hữu khác.
- Văn hoá – xã hội
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một nền văn hoá riêng biệt và đặc trưng văn hoá của từng nước cũng ảnh hưởng lên tư duy và hành động của con người trong đời sống kinh tế xã hội của nước đó.Trong một nền văn hoá xã hội có quá nhiều đẳng cấp, nấc thang giá trị xã hội không theo kịp với đà phát triển của thời đại thì rõ ràng nó kìm hãm, không thu hút nhân tài vào các tổ chức.
- Tiến bộ khoa học kỹ thuật
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung trên thế giới đang làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp phải đầu tư vốn cao và tốn kém chi phí đào tạo nhân lực, vì vậy nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc sử dụng lao động dư thừa.
- Mức độ cạnh tranh
Trong nền kinh tế thị trường, nhà quản trị không phải là cạnh tranh về sản phẩm mà còn cạnh tranh về nhân sự. Nhân sự là cốt lõi của hoạt động quản trị. Để tồn tại và phát triển không có con đường nào khác con đường quản lý nhân sự một cách có hiệu quả. Nhân sự là tài nguyên quý báu nhất, do đó doanh nghiệp phải biết gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Để làm được điều này thì doanh nghiệp phải có chính sách nhân sự phù hợp, phải biết động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời.
- Khách hàng
Khách hàng là mục tiêu của tất cả doanh nghiệp. Khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty là một phần của môi trường bên ngoài. Doanh số là một yếu tố quan trọng cho sự tồn tại của một công ty. Do đó, các cấp quản lý phải đảm bảo rằng nhân viên của mình làm ra những mặt hàng đáp ứng với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Chất lượng của hàng hoá hoặc dịch vụ là quan trọng đối với khách hàng. Do đó, nhà quản trị phải giúp các nhân viên của mình nhận thức được rằng không có khách hàng là không còn doanh nghiệp, vì vậy họ không bao giờ có cơ hội để làm việc tiếp. Hoặc người lao động hiểu được doanh thu của công ty quyết định đến tiền lương của họ.
3.2 Các nhân tố môi trường bên trong
- Mục tiêu của doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp đều có mục tiêu riêng và các cấp quản lý cần hiểu rõ ràng mục tiêu của công ty mình. Trong thực tế, các bộ phận phòng ban cũng phải có mục tiêu của bộ phận đó.
Toàn bộ mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp phải theo đà phát triển của xã hội. Vì vậy, cần tập trung đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, hiện đại hoá thiết bị máy móc, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý; tăng cường công tác truyền thông và tiếp thị; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh, tạo đà giữ vững và mở rộng thị phần trong nước, đồng thời thâm nhập thị trường nước ngoài.
- Chính sách của doanh nghiệp
Mọi chính sách, quy định trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không ít đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nói riêng. Nó quy định từ cách tổ chức, sắp xếp, cách sử dụng, quản lý nhân lực đến chế độ lương, thưởng, nội quy lao động. .. Khi chính sách của doanh nghiệp thay đổi thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến những vấn đề trên.
- Đội ngũ lãnh đạo
Đội ngũ lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản lý nguồn nhân lực trong một doanh nghiệp thể hiện ở tư duy sáng tạo, tầm nhìn, sự hiểu biết, phong cách giao tiếp, thông qua việc áp dụng những công cụ khích lệ nhằm làm ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của nhân viên.
Ban lãnh đạo của một doanh nghiệp phải có đầy đủ năng lực cùng các tố chất cần thiết của nhà lãnh đạo; mặt khác họ phải biết sử dụng những phương thức quản trị phù hợp đồng thời khích lệ thích hợp để tạo động lực làm việc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức là cách xây dựng bộ máy hành chính, các mối quan hệ và các luồng thông tin giữa các ngành, các cấp. Cần phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cá nhân đảm nhận các công việc. Thực tế cho thấy, tổ chức lại bộ máy là khâu then chốt ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của một công ty.
- Văn hóa của doanh nghiệp
Là hệ thống các chuẩn mực về tinh thần và vật chất, quy định mối quan hệ, thái độ và hành vi ứng xử của tất cả các thành viên trong tổ chức, phản ánh quá khứ và định hình tương lai cho tổ chức. Những giá trị được chia xẻ này xác định, ở một mức độ lớn. Khi gặp những vấn đề khó khăn, thì văn hóa của tổ chức sẽ giới hạn những điều mà nhân viên sẽ làm bằng cách gợi ra một phương thức đúng để tổng hợp, xác định, phân tích, và giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, hoạt động quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quy định và phát triển văn hóa tổ chức, đồng thời văn hóa tổ chức cũng ảnh hưởng đến công tác quản trị của doanh nghiệp đó.
Xem thêm: 4 lợi thế của doanh nghiệp nhỏ, thứ mà các doanh nghiệp lớn không thể có
3.3 Nhân tố con người
Nhân tố con người ở đây chính là nhân viên làm việc trong doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp mỗi người lao động là một thế giới riêng biệt, họ khác nhau về năng lực làm việc, về nguyện vọng, về sở thích. .. vì vậy họ có nhiều nhu cầu ham muốn khác nhau. Quản trị nhân sự cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề này nhằm đưa ra những biện pháp quản trị thích hợp nhất.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật thì trình độ của người lao động cũng được nâng cao và khả năng tư duy cũng tăng lên. Điều này ảnh hưởng tới cách tiếp cận của con người với công việc, nó cũng làm thay đổi sự đòi hỏi, thoả mãn, bằng lòng với công việc và phần thưởng của họ.
Trải qua những thời kỳ khác nhau thì nhu cầu, thị hiếu và sở thích của từng cá nhân cũng khác đi, điều này phụ thuộc khá nhiều vào vấn đề nhân sự. Nhiệm vụ của công tác nhân sự là phải biết nắm bắt kịp thời các thay đổi cần thiết nhằm làm sao cho người lao động cảm thấy thoải mái, vui vẻ và gắn kết với doanh nghiệp bởi vì thành công của doanh nghiệp trên thương trường phụ thuộc rất lớn vào con người xét ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Tiền lương là thu nhập chủ yếu của người lao động và nó tác động trực tiếp đối với người lao động. Mục đích của người lao động là bán sức lao động của mình để được trả công. Vì vậy vấn đề tiền lương thu hút được sự quan tâm của tất cả mọi người và nó là công cụ để thu hút lao động. Muốn cho công tác quản trị nhân sự được thực hiện một cách có hiệu quả thì các vấn đề về tiền lương cần được quan tâm một cách thích đáng.
3.4 Nhân tố nhà quản trị
Nhà quản trị có nhiệm vụ vạch ra các chính sách đường lối, phương hướng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. điều này đòi hỏi mỗi nhà quản trị ngoài trình độ chuyên môn cần có tầm nhìn xa, trông rộng để có thể tìm ra được định hướng đúng đắn cho doanh nghiệp. Thực tiễn trong cuộc sống luôn thay đổi, nhà quản trị nên thường xuyên chú trọng đến việc xây dựng bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong doanh nghiệp, nhằm làm cho nhân viên tự tin về doanh nghiệp, có tinh thần trách nhiệm với công việc của mình.
Ngoài ra nhà quản trị phải biết khéo léo kết hợp hai mặt của doanh nghiệp, một mặt nó là một tổ chức sản xuất vì lợi nhuận mặt khác nó là một cộng đồng bảo đảm đời sống cho mọi cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội hơn đối với mỗi người nếu tích cực làm việc họ đều có cơ hội phát triển và thành công.
Nhà quản trị phải nghiên cứu xử lý thông tin một cách khách quan tránh tình trạng bất công vô lý tạo ra những hoài nghi và thù hằn trong nội bộ doanh nghiệp. Nhà quản trị đóng vai trò là phương tiện đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân viên. Để làm được điều này phải nhanh chóng nắm vững quản trị nhân sự bởi quản trị nhân sự giúp nhà quản trị học được cách tôn trọng nhân viên, có thể tiếp thu ý kiến của họ và đưa ra những tiếng nói phù hợp với đồng nghiệp.
Quản trị nhân sự trong doanh nghiệp có mang đến kết quả như mong đợi hay không tuỳ thuộc rất lớn vào thái độ của nhà quản trị với lợi ích chính đáng của người lao động.
Xem thêm: 20 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn
Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quản trị nhân sự, cũng như tầm quan trọng và các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị nhân lực. Nếu bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên chia sẻ với mọi người nhé!