Doanh Nghiệp Việt Nam Tìm Lối Đi Trong Thách Thức Năm 2022

Năm 2022 dịch bệnh được dự báo là sẽ suy giảm nhưng vẫn chưa thể chấm dứt, người dân và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bước vào một giai đoạn mới, trong tình hình bình thường mới cần có những giải pháp song hành vừa giải quyết dịch bệnh, vừa giải quyết các biện pháp kinh tế. Bài toán tăng trưởng của các doanh nghiệp sau đại dịch covid 19 là một vấn đề cần phải giải quyết.

Tại diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” diễn ra vào cuối năm 2021, các ý kiến đều nhận định, năm 2022 nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức năm 2022
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức năm 2022

Phân tích về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, đưa ra bốn yếu tố ảnh hưởng tới phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022.

– Thứ nhất: đến nay chưa có dự báo nào nhận định được dịch bệnh sẽ đi tới đâu. Hiện chúng ta chỉ mong chờ vào vaccine, hay sự “đột biến hỏng” của Covid-19 (như tại Nhật Bản). Việt Nam đã thay đổi chiến lược chống dịch, xác định thích ứng và chung sống an toàn với dịch.

– Thứ hai: đà phục hồi kinh tế. Theo các dự báo, tăng trưởng hai năm tới của thế giới có thể chậm lại và không đồng đều giữa các quốc gia nhưng đà phục hồi khá rõ ràng. Các thị trường mạnh về đầu tư, lớn về thị trường là các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ đều cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, do sự phục hồi không đồng đều và rủi ro quá lớn, nên những rủi ro xảy ra như sự thu hẹp hoặc dừng lại của các gói hỗ trợ khiến quá trình phục hồi khó khăn hơn. Bên cạnh đó là rủi ro tài chính như sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản và rủi ro nợ của thế giới lớn hơn bao giờ hết.

– Thứ ba: các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ về quy mô, cách thức, đối tượng, trao quyền… Ông Thành cho rằng, sự hỗ trợ là cần thiết mà tất cả các quốc gia đều cần áp dụng. Nhưng rủi ro cũng chưa có tiền lệ, có nhiều điều chưa phù hợp ngay trong thiết kế và thực thi chính sách.

Đưa ví dụ về những gói hỗ trợ ban đầu có quy mô quá nhỏ và thực thi thiếu hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp hạn chế, ông Thành nhấn mạnh đặc biệt là trách nhiệm của công chức trong thiết kế và thực thi chính sách chưa phù hợp.

– Thứ tư: với xu thế thế giới, các dự báo gần đây đều nhấn mạnh gắn phục hồi với xu thế mới là phục hồi xanh, phục hồi số và chuyển đổi số. Đây là hai điểm mấu chốt thực hiện phát triển bền vững bao trùm sáng tạo, đòi hỏi Việt Nam có kế hoạch thực hiện các xu thế này.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch thực hiện các xu thế của thế giới
Doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch thực hiện các xu thế của thế giới

Còn theo ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, dự báo phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo là rất khó và phức tạp.

Đồng tình với quan điểm thận trọng này, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm nay ít lạc quan hơn khoảng 4,9%, nhưng sẽ có những tín hiệu tích cực đến từ việc mở cửa các quốc gia, điều này sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi sản xuất, hàng hóa, đầu tư trên toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này cũng nổi lên những yếu tố tiêu cực như áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia; bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo có thể khiến quá trình phục hồi của các chuỗi giá trị sẽ chậm lại.

Sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ có những biến động mạnh, xu hướng tăng trong năm 2022. Đơn cử như giá dầu lửa đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù một số dự báo cho rằng giữa năm 2022 trở đi có thể giảm, nhưng rõ ràng việc giá dầu lửa tăng sẽ tác động lớn đến kinh tế thế giới và cả Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức khi giá dầu dự đoán sẽ tăng trong năm 2022
Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức khi giá dầu dự đoán sẽ tăng trong năm 2022

Bên cạnh đó, sẽ có sự tác động từ các yếu tố liên quan đến các gói kích thích tài khóa lớn trong nước, nới lỏng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, nếu thực hiện các gói kích thích tài khóa tương đương 1% GDP, tức có khoảng 37.000 tỷ đồng để tác động làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP.

Nếu không có gói kích thích này thì cần có những gói tăng chi tiêu công, đầu tư công hay giảm lãi suất, giảm VAT… Đây là những yếu tố cần lưu ý khi tính toán đến sự phát triển của các ngành trong năm 2022.

Nguồn: https://vneconomy.vn/