VTV.vn – Tài chính khí hậu là cụm từ được nhắc đến dày đặc những ngày gần đây và cũng là nội dung nổi bật trong khuôn khổ COP27 đang diễn ra tại Ai Cập.
Tài chính khí hậu là một khái niệm rộng. Nói chung, tài chính khí hậu liên quan đến số tiền để chi cho toàn bộ các hoạt động sẽ góp phần làm chậm biến đổi khí hậu và giúp thế giới đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tài chính khí hậu cũng nhằm xây dựng khả năng phục hồi của các quần thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tài chính cũng cần để hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Có thể thấy, tài chính là vấn đề then chốt, cần thiết trong thực hiện mọi mục tiêu phát triển, trong đó bao gồm cả đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết về khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, vấn đề tài chính được quan tâm, tập trung đặc biệt nếu so với những sự kiện COP các năm trước. Bởi tài chính như nhiên liệu để chạy một cỗ máy, để cỗ máy vận hành theo ý muốn, theo kế hoạch thì phải làm thế nào cung cấp đủ nhiên liệu.
Lần đầu tiên COP có một đề mục riêng về tài chính khí hậu
Tài chính khí hậu là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất tại COP 27 và cũng là lần đầu tiên trong chương trình nghị sự chính thức của COP có một đề mục riêng về vấn đề này.
Ông Simon Stiell – Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu – nhấn mạnh: “Vấn đề tài chính là rất quan trọng. Cần có các cuộc trò chuyện, trao đổi, tìm ra các giải pháp hài hòa giữa các nhà tài trợ, mức hỗ trợ cần thiết. Nhưng hỗ trợ phải đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương và gắn kết các bên, đối thoại mang tính xây dựng, với các giải pháp hữu hình”.
Tài chính khí hậu là kênh tài chính mà các nước phát triển sử dụng để đầu tư, tài trợ cho các dự án phát triển bền vững, hỗ trợ ứng phó, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển, mới nổi. Nguồn tài trợ này có thể được ủy thác qua các tổ chức phi chính phủ, chính phủ hoặc đầu tư tư nhân.
Các nước đang phát triển cần tài chính khí hậu để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo, các công nghệ phát thải ít Carbon, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các nước cũng cần tài chính để ứng phó tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm, cứu trợ, phục hồi các dịch vụ, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Ước tính, tổng nhu cầu này của các nước phát triển sẽ đạt 1.300 tỷ USD vào năm 2025 và lên đến 2.400 tỷ USD vào năm 2030.
TS. Tara Shine – nhà khoa học về môi trường – cho rằng: “Các nước đang phát triển muốn có các chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu thì trong ngắn hạn, họ cần thấy nguồn vốn đầu tư cho hành động khí hậu từ các nước phát triển. Tiền phải chảy, các nguồn lực, công nghệ, nâng cao năng lực phải được thực hiện. Điều quan trọng cần phải nhớ là không quốc gia nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng này một mình. Và điều đó có nghĩa là những người giàu hơn phải hỗ trợ những người có ít phương tiện hơn để thực hiện thay đổi”.
Tại hội nghị COP15 tại Copenhagen, Đan Mạch, các nước đã đạt cam kết về huy động 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng 3% nhu cầu thực tế, trong khi nguồn vốn huy động chưa đạt cam kết, việc giải ngân vốn huy động chỉ khoảng 20%.
Ông António Vitorino – Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) – cho biết: “Để thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi, chúng tôi cần ít nhất gấp đôi nguồn tài trợ hiện tại được phân bổ trong gói 100 tỷ USD mỗi năm đã được thỏa thuận ở Hội nghị COP15 tại Copenhagen”.
Tài chính khí hậu là chìa khóa quan trọng để thực hiện các cam kết khí hậu mà các nước đã đưa ra. Trong bối cảnh thế giới đang cần khẩn thiết hành động trước thời điểm không thể quay trở lại về khí hậu này, tài chính khí hậu lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bất đồng quy mô đóng góp tài chính khí hậu giữa nước giàu và đang phát triển
Liên quan đến tài chính khí hậu, lâu nay, một trong những tranh cãi lớn nhất là mức độ đóng góp cho các khoản tài trợ thực hiện các mục tiêu khí hậu. Thế nào là đóng góp công bằng? Nước giàu đóng bao nhiêu thì gọi là công bằng và cân xứng vì các nước nghèo dễ tổn thương hơn, chịu nhiều ảnh hưởng hơn bởi các thay đổi khí hậu toàn cầu nhưng đa số trong đó lại phát thải ít hơn.
Tài chính khắc phục thiệt hại khí hậu đang là nội dung trọng tâm những ngày này. Các cuộc thảo luận về tổn thất và thiệt hại trong chương trình nghị sự COP27 sẽ không quy kết trách nhiệm cho bên nào, cũng không coi hỗ trợ tài chính là khoản bồi thường.
Mãi tới kỳ họp năm nay tại Ai Cập, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu mới chính thức được đưa vào nội dung đàm phán. Việc thừa nhận tổn thất và thiệt hại đã được xác định ngay từ đầu, là sẽ không trở thành căn cứ để quy trách nhiệm cũng như đòi bồi thường.
Cách đây 3 năm, các nước giàu đã cam kết, từ năm 2020 trở đi, mỗi năm dành 100 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo. Tuy nhiên, năm 2020, các nước chỉ thực hiện được 83,3 tỷ USD. Hỗ trợ tài chính vẫn chỉ là dưới hình thức tự nguyện mà chưa có một văn bản nào ràng buộc.
Ông Antonio Guterres – Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc – cho rằng: “Đã đến lúc phải có một hiệp ước lịch sử, theo đó, các nước giàu hơn cung cấp tài chính và kỹ thuật cùng với sự hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương và các công ty công nghệ để giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Mô hình đó cần thiết cho tất cả chúng ta”.
Biến đổi khí hậu đã gây hậu quả tới mức nào cho các nước nghèo và cần bao nhiêu tiền để khắc phục thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, cháy rừng? Có rất nhiều cách tính, cho ra những con số rất khác biệt. Vấn đề nữa là trong số những thiệt hại ấy, bao nhiêu % là do khí thải từ các nước công nghiệp, bao nhiêu % do chính các nước nghèo tự chặt phá cây rừng, tự làm xói lở bờ sông của chính mình? Vô số chi tiết làm cho đàm phán trở nên cực kỳ phức tạp.
Giáo sư Johan Rockstroem – Giám đốc Viện nghiên cứu Potsdam về tác động của biến đổi khí hậu – nhận định: “Đây là kỳ họp đầu tiên tại châu Phi, lần đầu tiên đàm phán về tổn thất và thiệt hại. Đó là một chủ đề rất nhạy cảm và do đó không thể chắc chắn là sẽ có kết quả cụ thể”.
Các nước chịu thiệt hại nhiều nhất muốn các nước giàu tạo dựng hẳn một cơ chế tài chính toàn cầu, trên cơ sở một hiệp ước quốc tế.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng: “Lục địa châu Phi cần một nguồn tài chính ổn định, quy mô cũng như cần hỗ trợ công nghệ phù hợp. Điều đó giúp chúng tôi phát triển, củng cố công bằng quốc tế. Các nền kinh tế phát triển phải có trách nhiệm thực hiện cam kết”.
Thách thức vấn đề tài chính khí hậu ở các nước đang phát triển
Một báo cáo do Chính phủ hai nước Anh và Ai Cập cùng thực hiện và công bố mới đây tại Ai Cập cho rằng, tổng nhu cầu tài chính khí hậu hằng năm của các nước đang phát triển sẽ đạt 2.400 tỷ USD vào năm 2030.
Trong đó 50% đến từ nguồn tài chính bên ngoài, phần còn lại từ chính phủ và các nguồn tư nhân. Cứ cho là quy mô tài trợ hàng năm cho các nước đang phát triển ở vào khoảng 1.000 tỷ USD thì con số này cũng đang cao gấp 10 lần con số 100 tỷ USD, mục tiêu đóng góp hàng năm hiện nay. Một phép tính nhỏ để thấy, tài chính sẽ là một thách thức đáng kể trong thực hiện các mục tiêu khí hậu tại các nền kinh tế đang phát triển.
Nhu cầu tài chính khí hậu hằng năm của các nước đang phát triển sẽ lên tới 2.400 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, các nước phát triển, các nhà đầu tư và các định chế tài chính nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Phần còn lại, 1.400 tỷ USD là từ nguồn quỹ công và tư nhân tại các nước đang phát triển.
Các nước đang phát triển cần số tiền trên để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít Carbon cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
TS. Tara Shine cho rằng:
“Các nước phát triển có trách nhiệm nhiều hơn với các nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Nếu các nước đang phát triển tiếp tục đầu tư cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong dài hạn và ngắn hạn thì họ cần thấy nguồn tài trợ chảy từ các nước phát triển. Cần phải có nguồn lực, sự hỗ trợ, công nghệ, nâng cao năng lực.
Và điều thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta là hãy lưu ý rằng, không một quốc gia nào có thể một mình tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Đó là một nỗ lực hợp tác. Chúng ta phải làm việc đoàn kết với tất cả các quốc gia. Và điều đó có nghĩa là những nước giàu hơn phải hỗ trợ những nước có ít phương tiện hơn để thực hiện thay đổi”.
Những năm gần đây, có thể thấy rõ biến đổi khí hậu đè gánh nặng trên vai các nước đang phát triển. Pakistan đã trải qua trận lụt kinh hoàng năm nay. Hơn 30% diện tích ngập trong biển nước, khiến 1.700 người thiệt mạng. Tác động của biến đổi khí hậu nặng nề trong khi Pakistan góp chưa đầy 1% vào tổng lượng khí thải toàn cầu.
Ông Simon Stiell – Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu – cho rằng: “Những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu phải ở đầu trong danh sách ưu tiên vì họ là những người chịu thiệt hại. Ví dụ như Pakistan, làm thế nào để họ phục hồi sau thảm họa đó? Với một thảm họa lớn như vậy, để thực sự phục hồi, để có các phương án dự phòng cho tương lai, cần có thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài”.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết: “Hiện nay, nhiều chương trình hỗ trợ vẫn hoàn toàn nằm ngoài tầm với của đa số người dân trên thế giới. Vì các chính sách cho vay không chấp nhận rủi ro và mất nhiều chi phí tiếp cận cũng như kèm theo nhiều điều kiện”.
Lạm phát toàn cầu cũng tạo thêm gánh nặng tài chính đối với các nước nghèo. Chương trình phát triển toàn cầu của Liên Hiệp Quốc cho biết, có 54 quốc gia trên thế giới có khả năng vỡ nợ. Một số nước đang phát triển có nguy cơ từ bỏ các đàm phán về khí hậu để đối phó tình hình khủng hoảng kinh tế trước mắt.
Ông Achim Steiner – Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – cho rằng: “Việc yêu cầu các nước đang phát triển cần làm nhiều hơn, thậm chí nhanh hơn là rất khó khi bản thân các nước giàu nói đồng ý nhưng cam kết 100 tỷ USD tài trợ mỗi năm còn chưa thực hiện được”.
Ông John Kerry – Đặc phái viên khí hậu của Mỹ – cho biết: “Không có chính phủ nào trên thế giới có đủ tiền để làm những việc chúng ta phải làm để thắng trong cuộc chiến này. Ước tính tổng số tiền cần thiết có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD. Do vậy, chúng ta có thể sẽ phải thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về phương thức huy động tài chính”.
Nếu các nước không nhanh chóng tìm ra tiếng nói chung trong việc tiếp cận vấn đề tài chính khí hậu thì trước hết, các nước đang phát triển, vốn đã chịu thiệt hại nặng nề, sẽ tiếp tục gánh chịu những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Theo: VTV
> Xem thêm:
Ngân Hàng Nhà Nước Tăng Lãi Suất Điều Hành Thêm 1%
Các lĩnh vực tiềm năng để khởi nghiệp bền vững 2022
Chuẩn bị những kịch bản kinh doanh nào phù hợp với tình hình hiện nay