Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp trong tương lai, mà mỗi nhà sáng lập nên có quyết định phù hợp cho start-up của mình.
Doanh nghiệp quy mô nhỏ
Theo kinh nghiệm của các nhà khởi nghiệp, với start-up quy mô nhỏ, thì nhà sáng lập có thể làm một mình vì không cần huy động nguồn vốn lớn. Ngoài ra, mô hình nhỏ thường không tạo ra lợi nhuận quá lớn, nếu nhiều người tham gia, thì phần lợi nhuận mỗi người nhận về không được bao nhiêu.
Trong mô hình kinh doanh chỉ có một nhà sáng lập, ưu điểm nổi bật là sự tự do và khả năng ra quyết định nhanh chóng, vì không phải phụ thuộc vào người khác. Khởi nghiệp một mình sẽ giúp người đứng đầu tránh việc bị kéo lại bởi bất kỳ ai khác, tránh được các mâu thuẫn, bất đồng do khác biệt về tính cách, quan điểm hay kiến thức…
Tuy nhiên, khi khởi nghiệp một mình, nhà sáng lập sẽ phải giải quyết toàn bộ khối lượng công việc mà không có ai san sẻ cùng. Nếu thành công, họ có thể hưởng toàn bộ “trái ngọt”, nhưng ngược lại, trong trường hợp thất bại, họ cũng phải tự gánh chịu một mình, áp lực dồn lên các nhà sáng lập sẽ lớn hơn.
Doanh nghiệp quy mô lớn
Nếu nghĩ đến bài toán kinh doanh lớn trong tương lai, ví dụ, công ty có nhiều hơn 50 nhân viên, thì người đứng đầu start-up nên tìm cho mình những nhà đồng sáng lập có năng lực.
Doanh nhân Lê Hùng Anh, nhà sáng lập, CEO Tập đoàn BIN Corporation, nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam, từng chia sẻ: “Không ai có thể giỏi hết tất cả mọi thứ… Cho dù bạn giỏi cỡ nào đi chăng nữa, bạn cũng không thể giỏi bằng 3 hoặc 5 người cộng lại được. Nên nếu muốn khởi nghiệp thành công, thì phải chọn được đội nhóm ngon”.
Một thống kê trên thế giới cũng từng chỉ ra, nếu khởi nghiệp một mình, nhà sáng lập phải mất tới 70 tháng (gần 6 năm), thì công ty mới có thể phát triển đến giai đoạn mở rộng. Trong khi với số thành viên 3 – 5 người, có thể rút ngắn xuống còn gần 30 tháng. Trên thế giới, nhiều công ty công nghệ lớn như Microsoft, Facebook hay Airbnb đều là kết quả gây dựng của các nhà đồng sáng lập với nhau.
Trong mô hình có nhiều nhà đồng sáng lập, thuận lợi đầu tiên là start-up có đủ nguồn vốn ban đầu để hoạt động. Các vấn đề trách nhiệm, rủi ro được chia sẻ đồng đều, nên quá trình khởi nghiệp sẽ đỡ áp lực và cô đơn hơn những người làm một mình.
Tiếp nữa, một dự án lớn bao giờ cũng cần đa dạng các kỹ năng chuyên sâu. Việc có những nhà đồng sáng lập có thể gánh vác trọng trách ở nhiều mảng khác nhau giúp start-up chuyên nghiệp hơn và đi xa hơn. Ưu, nhược điểm của người này sẽ bổ trợ cho người kia để cùng đưa ra những sản phẩm, mô hình hoàn thiện.
Cuối cùng, khởi nghiệp với những người khác giúp nhà sáng lập có cái nhìn khách quan hơn trong mỗi quyết định. Họ có thể không còn khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng như khi đi một mình, nhưng thay vào đó, các cuộc đối thoại và thảo luận trong nhóm đồng sáng lập sẽ giúp công ty có những định hướng vững vàng và thấu đáo hơn.
Tuy nhiên, giống như khởi nghiệp một mình, mô hình khởi nghiệp với nhiều đồng sáng lập cũng tồn tại những vấn đề cần giải quyết, ví dụ: xung đột về quan điểm trong tranh luận làm tắc nghẽn quyết định; mâu thuẫn về vốn, quyền lợi và sự đóng góp của mỗi nhà đồng sáng lập tạo nhiều áp lực nội bộ. Vì vậy, nếu lựa chọn mô hình này, start-up cần có sự thỏa thuận rõ ràng ngay từ ban đầu về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người tham gia trong mô hình, đồng thời luôn đặt lợi ích chung lên trên mọi mâu thuẫn và xung đột.
Nguồn: https://baodautu.vn/
> Xem thêm:
Startup Là Gì? Những Điều Cần Biết Về Startup
Các lĩnh vực tiềm năng để khởi nghiệp bền vững 2022