Trong khi các tập đoàn khổng lồ có thể làm được hầu hết mọi thứ mà họ muốn, thì các doanh nghiệp nhỏ lại mới là động lực lớn nhất của nền kinh tế. Họ luôn cho thấy mình có lợi thế ở việc mang đến cho khách hàng nhiều thứ tuyệt vời mà vốn dĩ một doanh nghiệp lớn không thể làm được.
Nghe thì có vẻ phi lý nhưng thực tế thì lại chính là như vậy. Nếu các doanh nghiệp quy mô lớn có lợi thế về chi phí và thương hiệu thì các công ty nhỏ cũng tỏ vẻ không hề kém cạnh khi sở hữu một số điểm mạnh và khác biệt có thể cạnh tranh được trong nền kinh tế hiện đại.
Mục lục
Lợi thế 1: Dịch vụ khách hàng
Thường thì các doanh nghiệp nhỏ luôn ở cấp độ cao hơn các công ty lớn về khoản điểm dành cho dịch vụ khách hàng, và chính người tiêu dùng cũng đã tham gia đánh giá, đồng thời coi đó là một trong số những lý do quan trọng khiến họ vẫn quyết định mua sắm từ các đơn vị kinh doanh nhỏ này. Có thể hiểu một cách rất đơn giản, các công ty nhỏ thường có mức độ tập trung cao hơn, do vậy có xu hướng đáp ứng nhanh và thông minh hơn các vấn đề của khách hàng.
Ngoài ra, lượng khách hàng không quá lớn cũng giúp cho những doanh nghiệp này dễ dàng hơn trong việc chăm sóc và cung cấp các dịch vụ chăm sóc mang tính cá nhân hóa. Thay vì sử dụng các quy trình cứng nhắc, các chính sách cố hữu như các đơn vị kinh doanh quy mô lớn, dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp nhỏ thường linh hoạt hơn và họ sẵn sàng bẻ cong luật lệ của mình để mang đến cho người mua những trải nghiệm tốt nhất.
Lợi thế 2: Các kết nối địa phương
Các doanh nghiệp nhỏ luôn hiểu những đặc điểm và sự khác biệt đặc thù của thị trường khu vực địa phương tốt hơn so với một công ty lớn. Điều đó giúp họ có được sự nhanh nhạy trong việc phát triển bản địa hóa và tinh chỉnh phù hợp với người tiêu dùng trong khu vực. Họ có khả năng thích ứng nhu cầu cho các sản phẩm mới, thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện kinh tế địa phương, hoặc thậm chí là các thảm họa tự nhiên nhanh hơn so với một công ty lớn.
Ngoài hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ cũng thường tham gia hoạt động cộng đồng nhiều hơn và mang tính gần gũi hơn. Chẳng hạn như đóng góp cho các tổ chức từ thiện, hay thậm chí là hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh nhỏ mới thành lập khác. Do đó, họ tạo ra được các kết nối địa phương hoàn hảo, là động lực của sự phát triển bền vững.
Lợi thế 3: Sản phẩm đa dạng
Các doanh nghiệp lớn thường phát triển mạnh về khả năng mở rộng quy mô để bán sản phẩm cho càng nhiều khách hàng càng tốt, thậm chí là lên đến hàng triệu khách hàng mỗi ngày. Như vậy, họ chỉ có thể đáp ứng mong muốn của một kiểu người tiêu dùng duy nhất, với một hay một vài sản phẩm duy nhất mà không có sự linh hoạt, không có sự đa dạng và rất khó để chuyển hướng kinh doanh.
Khác hẳn với điều đó, các doanh nghiệp nhỏ lại thành công khi thường xuyên đưa ra những sản phẩm độc đáo mang tính cập nhật nhu cầu mà có thể là không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Lợi thế 4: Kết nối cá nhân
Đội ngũ nhân viên của các doanh nghiệp nhỏ thường sống, làm việc và tiếp xúc cởi mở hơn với cộng đồng khách hàng của mình. Họ không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn tạo ra các mối quan hệ thân thiết với người mua bằng việc kết nối cá nhân. Trong khi đó, ở một doanh nghiệp lớn, các nhân viên thường quá bận rộn với công việc, với quá nhiều khách hàng khiến cho một kết nối như vậy thường là không thể.
Trong khi đó, việc tư vấn, chăm sóc, đưa ra các giải pháp với tư cách cá nhân sẽ giúp cho khách hàng cảm thấy hài lòng vì mình được quan tâm một cách đặc biệt. Chỉ với một chi tiết nhỏ như vậy thôi cũng đủ để họ đánh giá cao doanh nghiệp và gắn bó lâu dài hơn.
Đơn giản thôi, hãy thử tưởng tượng việc bạn gửi thư điện tử tới một công ty để hỏi về cách sử dụng của một trong các sản phẩm của họ. Cảm nhận của bạn sẽ có một sự khác biệt lớn giữa việc nhận lại email từ một người lạ và nhận được e-mail cá nhân từ một người biết bạn là ai và biết nhu cầu cụ thể của bạn là gì. Đây có thể nói là một cấp độ cao của dịch vụ khách hàng và là yếu tốt quan trọng giúp các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh tốt trong điều kiện kinh tế như hiện nay.
Nguồn: vietdu.vn
> Xem thêm:
- Các mô hình kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp (2022)
- Hơn 70% doanh nghiệp Việt chưa trang bị đủ kiến thức thực hành ESG